Là nước sản xuất nông nghiệp lớn nhất trên thế giới, Trung Quốc có 300 triệu nông dân với các loại hoa màu chủ yếu là lúa, khoai tây, kê, ngũ cốc, chè, thuốc lá... 1/5 sản lượng ngô và 1/4 sản lượng khoai trên toàn thế giới có xuất xứ từ Trung Quốc. Hàng năm, Trung Quốc sản xuất gần 30 triệu tấn trứng, chiếm 1/2 sản lượng trứng thế giới. Đáng chú ý, chỉ 10% diện tích đất của Trung Quốc được dành cho nông nghiệp và diện tích này ngày càng co hẹp do quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá và hình thành sa mạc.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam
Thời gian qua đã xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, như: Dabaco, TH, Ba Huân. Đến nay, cả nước có 12 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, được các địa phương công nhận; có 51 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Các tiến bộ về khoa học – công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Mức độ tổn thất của nông sản giảm đáng kể, trong đó tổn thất của lúa gạo đã giảm xuống dưới 10% (Song Hà, 2022).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai các chiến lược phát triển ngành hàng theo hướng tích hợp đa giá trị, tăng hàm lượng khoa học-công nghệ trong nông nghiệp. Mặt khác, nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học – công nghệ, tập trung vào sản phẩm chủ lực xuất khẩu, sản xuất giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phát triển thị trường khoa học – công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; triển khai thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao giai đoạn 2021-2030 thúc đẩy phát triển các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và mở rộng xuất khẩu. Có thể kể tới một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại các địa phương như sau:
– Thành phố Hà Nội đang từng bước xây dựng ngành Nông nghiệp hiện đại, bền vững, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh. Cùng với đó, Thành phố cũng chủ trương xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao điển hình của cả nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đến nay, trên địa bàn Thành phố đã triển khai khoảng 160 mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Trong lĩnh vực trồng trọt, có gần 130ha trồng rau ứng dụng nhà lưới, gần 50ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Hà Nội hiện có trên 1.000ha sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao.
Nhìn chung, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội mặc dù quy mô nhỏ nhưng cho năng suất cao hơn phương thức sản xuất truyền thống 10-12%, giá trị kinh tế gia tăng 25-30%. Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ tạo ra nguồn hàng hóa bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm mà còn tạo điều kiện cho các ngành chức năng trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Thực tế trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã của Thành phố đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đạt hiệu quả kinh tế tốt. Theo ông Lê Văn Tám – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sông Hồng, huyện Đông Anh, với diện tích 1.500m², hợp tác xã phát triển 6 mô hình nhà phủ màng công nghệ cao của Israel, chuyên sản xuất rau, củ, quả sạch theo hướng hữu cơ, chủ động nguồn cung nguyên liệu từ rau, củ, quả để tạo ra loại ống hút thân thiện với môi trường, cung cấp cho các cửa hàng kinh doanh đồ uống, quán cà phê và một số siêu thị của Hàn Quốc, Đức, doanh thu đạt 2-3 tỷ đồng/năm.
– Tại tỉnh Ninh Thuận, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đem lại giá trị sản xuất đạt hơn 300 triệu đồng/ha/năm trên cùng một thửa đất, cao gấp ba lần so với phương thức sản xuất lạc hậu trước đây. Đặc biệt, việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả như ngô, lúa sang mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng doanh thu đã đạt từ 2-3 tỷ đồng/vụ. Và trồng giống nho mới NH01-152 áp dụng công nghệ cao của nông dân thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, doanh thu đạt từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/ha/năm.
Đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai hơn 30 cánh đồng lớn sản xuất lúa, ngô, măng tây xanh, nho, với tổng diện tích hơn 3.642ha; chuyển đổi sản xuất hiệu quả hơn 1.500ha cây trồng cạn thay cho cây lúa kém hiệu quả trước đây; lựa chọn, xác định được 12 sản phẩm đặc thù và 62 sản phẩm OCOP có lợi thế cạnh tranh để tập trung đầu tư phát triển.
– Ngày 29/1/2021, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nuôi tôm công nghệ cao. Mục tiêu đến năm 2025, Bến Tre sẽ phát triển 4.000ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao, năm 2030 là 5.000ha. Qua năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết tại 3 huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, tổng diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt 50% với khoảng 2.000ha, năng suất bình quân 12 tấn/ha/vụ, cao gấp 4 lần so với nuôi thâm canh trước đây, lợi nhuận trung bình từ 700 đến 800 triệu đồng/ha/vụ nuôi.
Để xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao hiện đại, bền vững, theo tác giả, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong nước và quốc tế, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp về tín dụng, xúc tiến thương mại để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Đặc biệt, để chuẩn bị và tích cực tham gia vào quá trình triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp, không thể không đề cập đến IoT – một thành tố đóng vai trò chủ chốt. Mặc dù IoT còn tương đối mới, nhưng đã thâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực phát triển xã hội (hành chính, thương mại, tiếp thị, công nghiệp, sản xuất,…) và chắc chắn là cả nông nghiệp công nghệ cao. Nhật Bản đã có sự chuẩn bị cho công tác đào tạo nguồn nhân lực có năng lực quy hoạch, triển khai, thực hiện những dự án IoT cho mọi lĩnh vực bằng cách tạo ra một chuỗi văn bằng và chứng chỉ xác nhận năng lực của những chuyên gia IoT như vậy.
Nếu muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chắc chắn Việt Nam cần phải chú trọng tới công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp công nghệ cao. Các dự án IoT trong nông nghiệp công nghệ cao là vô cùng cấp thiết và Việt Nam cần phải có quy hoạch, điều chỉnh kịp thời, nếu thực sự muốn theo kịp thế giới về nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riên, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-kinh-nghiem-o-mot-so-quoc-gia-va-bai-hoc-cho-viet-nam-106832.htm
Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường liên kết chuỗi và phát triển bền vững gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới; trọng tâm là phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, thế mạnh của tỉnh; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao… là mục tiêu đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nào vẫn đang là bài toán cần lời giải đối với Thái Nguyên.
Bài 1: Bắt nhịp với nông nghiệp công nghệ cao
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là xu hướng tất yếu của thời đại. Tại Thái Nguyên, mặc dù chưa hình thành các mô hình NNCNC quy mô lớn nhưng cũng đã xuất hiện những nông dân "dám nghĩ, dám làm". Theo đó, nhiều người đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trong lĩnh vực trồng trọt, bước đầu mang lại những kết quả khả quan...
NNCNC xuất hiện ở tại Việt Nam vào đầu những năm 2000, khi các mô hình canh tác mới có sử dụng nhà lưới, nhà màng (lợp màng Polyethylen), sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Hiện nay nhiều người cho rằng, công nghệ cao trong nông nghiệp thường gắn với nhà lưới, nhà màng, tưới nhỏ giọt tự động, kết hợp bón phân, canh tác thủy canh; trong các nhà lưới, nhà màng có hệ thống điều khiển nhiệt độ, cảm biến độ ẩm…
Gần đây, tại nhiều địa phương trong cả nước đã xuất hiện các mô hình trang trại nông nghiệp thông minh, sử dụng công nghệ như Internet vạn vật, cảm biến, hệ thống định vị, robot và trí tuệ nhân tạo (AI)… để thu thập và truyền các dữ liệu của đất, về không khí, ánh sáng, … được hệ thống phân tích và đưa ra kết luận về trạng thái của đối tượng hoặc quá trình giám sát và xác định các vấn đề tiềm ẩn. Dựa trên các kết quả phân tích này, phần mềm quản lý, người quản lý trang trại quyết định các cách xử lý tiếp theo.
Kết quả là quy trình canh tác thông minh tự động này đạt độ chính xác cao và được kiểm soát 24/7, giúp tiết kiệm đáng kể tất cả các nguồn lực chính của sản xuất như: nước, năng lượng, phân bón và nhân công lao động.
Tiến sĩ Ngô Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Công nghệ Nông nghiệp, nguyên Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoai tây, Rau và hoa Đà Lạt, thông tin: Tại một số tỉnh, thành trong cả nước đã có những mô hình NNCNC không thua kém các nước trên thế giới, ở cả lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản. Có thể kể đến như: mô hình bò sữa của Tập đoàn TH Group (Nghệ An). Trang trại TH chủ yếu là bò cao sản thuần chủng HF, được nhập khẩu từ các nước có nguồn giống tốt, cho năng suất sữa cao, chất lượng như New Zealand, Mỹ… Hay như mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại tỉnh Bạc Liêu. Hiện toàn tỉnh có gần 30 công ty, đơn vị đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, áp dụng công nghệ nhà màng của Israel…
Có thể nói, NNCNC, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số đã phát triển rộng khắp các tỉnh, thành của cả nước với nhiều cấp độ khác nhau. Từ đơn giản nhất là trồng cây trong nhà màng, tưới nhỏ giọt, cao hơn một chút là thủy canh rau, hoa và tiếp theo đó là trồng cây, nuôi gia súc gia cầm trong nhà có cảm biến, điều khiển tự động...
Tại Thái Nguyên, phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại này cũng đã manh nha xuất hiện từ gần 10 năm trước. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đang có xu hướng tăng mạnh trong 3 năm trở lại đây, nhất là với các nhà vườn sử dụng van xoay tưới tự động; hệ thống chiếu sáng trong nhà kính phục vụ trồng hoa lan…
Theo ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Thời gian qua, Thái Nguyên đã tích cực triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Trong đó tập trung chuyển giao, ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng tốt, có giá trị kinh tế cao, xây dựng và triển khai các mô hình sản xuất an VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao… Qua đó, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nâng cao hiệu quả kinh tế nông hộ, góp phần hoàn thành các mục tiêu của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, thâm canh đối với các cây trồng chính, cây chủ lực, thế mạnh như: chè, lúa, rau, hoa, cây ăn quả…
Nông dân Thái Nguyên đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật tiên tiến, mở rộng diện tích sử dụng nhà màng, nhà lưới; ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển bán tự động; kỹ thuật canh tác giá thể; công nghệ sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất hữu cơ… Qua đó, góp phần nâng giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt (năm 2022, đạt 123,2 triệu đồng/ha). Đồng thời, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thực hiện cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, cây chè tiếp tục khẳng định vị thế là cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh. Tổng diện tích chè toàn tỉnh hiện đạt 22,2 nghìn héc-ta, năng suất bình quân đạt 124,7 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi (năm 2022) đạt 260,1 nghìn tấn, giá trị sản phẩm chè sau chế biến đạt 10,4 nghìn tỷ đồng. Diện tích trồng chè áp dụng thực hành nông nhiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận đạt 4.356,7ha; cấp chứng nhận tiêu chuẩn UTZ Certified và hữu cơ đạt 76ha; xây dựng, thiết lập được 29 vùng trồng gắn mã số vùng trồng đạt yêu cầu theo TCCS 774:2020/BVTV và được định vị trên hệ thống toàn cầu GPS để thực hiện theo dõi truy xuất nguồn gốc...