TRUNG TÂM BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ BÁO CHÍ - HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM
Nhà báo Huy Đức bị bắt về tội 'lợi dụng tự do, dân chủ'
Nguồn hình ảnh, Facebook nhân vật
Nhà báo Huy Đức, tên thật là Trương Huy San, đã bị khởi tố và bắt tạm giam, sau nhiều ngày ông 'biến mất'. Ông là tác giả bộ sách Bên thắng cuộc và còn được biết đến với bút danh Osin.
Hôm nay ngày 7/6, Bộ Công an Việt Nam cho biết Cơ quan An ninh điều tra thuộc bộ này đã ra quyết định khởi tố vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Trong vụ án này, nhà báo Huy Đức đã bị khởi tố để điều tra về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Cùng vụ án, Cơ quan An ninh cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội với cùng tội danh.
Bộ Công an thông báo, kết quả điều tra ban đầu xác định ông Trương Huy San và ông Trần Đình Triển đã có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, đăng tải các bài viết trên mạng xã hội Facebook xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trước khi bị bắt, Facebook mang tên Truong Huy San với hơn 370.000 người theo dõi đã có một số bài phản biện về hệ thống chính trị Việt Nam, đặc biệt là nói đến vai trò của Đại tướng Tô Lâm (hiện là chủ tịch nước) và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo thông tin từ Cơ quan An ninh điều tra, bước đầu tại cơ quan điều tra ông Trương Huy San và ông Trần Đình Triển đã thành khẩn khai báo, chấp hành các quy định tại nơi giam giữ.
Cơ quan điều tra cũng đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với ông Trương Huy San và Trần Đình Triển.
Trước khi có tin tức về việc bị khởi tố, bắt giam thì nhà báo Huy Đức đã mất tích nhiều ngày, muộn nhất là sáng sớm ngày 1/6. Bạn bè, người thân đều không liên lạc được với nhà báo Huy Đức và ông cũng vắng mặt trong một sự kiện mà ông làm diễn giả chính.
Trang Facebook mang tên Truong Huy San, sở hữu hơn 370.000 người theo dõi, đã đóng vào ngày 2/6.
Một người bạn của ông Huy Đức nói với BBC hôm 4/6 rằng gia đình và bạn bè không có thêm thông tin gì về việc ông đã đi đâu.
"Anh Huy Đức đã chuyển hẳn ra Hà Nội ở mấy năm nay và sống ở khu Long Biên. Họ bắt và khám nhà ở tại nơi ở. Nhà cũ trong TP HCM cũng bị khám. Anh ấy ở một mình và chắc là cũng đã chuẩn bị cho ngày này," người bạn giấu tên của ông Huy Đức nói với BBC ngày 4/6.
Ngoài ra, người này còn thông tin thêm rằng, gia đình của ông Huy Đức đang ở Việt Nam nhưng không ai nhận được tin gì và không biết chuyện gì xảy ra với người thân của mình, chỉ có thể "bình tĩnh chờ đợi".
Ngày 1/6, nhà văn Trần Thanh Cảnh - bạn của ông Huy Đức - nói với BBC rằng chương trình Cà phê thứ Bảy tại Hà Nội đã được "chốt lịch" từ trước và nhà báo Huy Đức là diễn giả.
"Tôi và nhà báo Huy Đức có nhận lời mời của những người chủ trì Cà phê thứ Bảy làm một chương trình tọa đàm. Chương trình diễn ra vào lúc 3 giờ chiều thứ Bảy ngày 1/6/2024.
"Nhưng đến sáng hôm thứ Bảy, tôi không liên lạc được với Huy Đức, cả điện thoại và mạng xã hội. Tôi cố gắng liên lạc ngay với vài người thân bên cạnh anh ấy và hiểu điều gì đang diễn ra," nhà văn Trần Thanh Cảnh thuật lại với BBC hôm 2/6.
Sau khi chương trình Cà phê thứ Bảy kết thúc, nhà văn Trần Thanh Cảnh lại một lần nữa liên lạc với người bạn của mình nhưng đầu dây bên kia vẫn không nhấc máy.
Ông cũng nói thêm rằng, trong nhiều cuộc nói chuyện trước đây giữa hai người, cả hai đều đã trao đổi và lường trước khả năng ông Huy Đức "có thể sẽ bị bắt" và cho biết thêm:
"Lần gặp cuối cùng của tôi với Huy Đức là tại nhà riêng của tôi, khi chúng tôi cùng vài người bạn tổ chức uống rượu và ngắm hoa (tối thứ Tư tuần vừa rồi, ngày 29/5). Lúc chia tay chúng tôi có hẹn lại gặp lại nhau vào chiều thứ Bảy nhưng sáng sớm hôm qua tôi nhắn tin và gọi điện thoại đã không liên lạc được rồi," ông Cảnh kể lại.
Theo Điều 331 Bộ luật Hình sự (2015), “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” được quy định như sau:
Báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin từ Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết ông Trương Huy San và ông Trần Đình Triển bị khởi tố theo Khoản 2, Điều 331. Khoản 2 có khung hình phạt tối đa là 7 năm tù.
Cơ quan An ninh cũng cho biết đang tiếp tục mở rộng điều tra, giải quyết vụ án theo quy định pháp luật và khuyến cáo người dân không nghe theo, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng.
Trước ông Trương Huy San và ông Trần Đình Triển, nhiều nhà báo, luật sư, blogger, doanh nhân, nhà hoạt động từng bị điều tra, khởi tố theo Điều 331 chỉ vì những gì mà họ viết hoặc nói trên mạng xã hội.
Một số cây viết như nhà báo Hàn Ni và nhóm Báo Sạch cũng đã bị truy tố theo điều luật này.
Nhóm ba luật sư từng tham gia bào chữa vụ "Tịnh thất Bồng Lai" cũng đã bị Công an tỉnh Long An truy tìm để điều tra theo Điều 331. Hiện ba luật sư này gồm ông Đặng Đình Mạnh, ông Nguyễn Văn Miếng và ông Đào Kim Lân đã tị nạn tại Mỹ.
Nữ doanh nhân nổi tiếng bị tuyên ba năm theo Điều 331 là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam - bà Nguyễn Phương Hằng.
Vợ chồng ông Nguyễn Thái Hưng và bà Vũ Kim Hoàng - chủ kênh YouTube 'Nói bằng thực TV' - cũng lãnh án tù theo Điều 331.
Tại Việt Nam cũng đã có nhiều ý kiến từ luật sư đề nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ Điều 331 vì những bất cập của điều khoản này.
"Cụ thể hai nội dung chính đều mơ hồ, không chứng minh được. Thứ nhất, về 'Lợi dụng quyền tự do dân chủ', thì phải xem là ta đã dân chủ đến mức độ nào rồi và việc lợi dụng quyền này cụ thể là như thế nào."
"Thứ hai là về hậu quả 'xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước', thì quyền và lợi ích hợp pháp đó là gì?"
"Với các tội phạm liên quan đến kinh tế thì còn đo đếm được qua mức thiệt hại từ hành vi mà bị can, bị cáo gây ra, còn những trường hợp như thế này người ta gần như không đo đếm được mà chỉ đưa ra nhận định chủ yếu dựa trên cảm quan cá nhân."
"Do đó, đa số những người bị bắt với cáo buộc vi phạm Điều 331 và một số điều khác liên quan đến an ninh quốc gia, thực tế chỉ do việc họ 'gõ bàn phím', chứ không có hành vi nào thực sự gây nguy hại cho an ninh quốc gia như cáo buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền."
Trước khi "biến mất", trên Facebook mang tên Truong Huy San có đăng tải bài viết “Những suy nghĩ không rời rạc” vào ngày 28/5, trong đó ông bình luận về các vấn đề pháp quyền tại Việt Nam và viết rằng việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là "một bước lùi về chính trị".
"Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có 'Đổi mới II' trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa."
Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem
Một bài viết khác gần đây có nhan đề "Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi" trên Facebook Truong Huy San nói về quyền lực của Bộ Công an trong hệ thống chính trị và điều hành nhà nước:
"Việt Nam đang duy trì một thể chế tương đồng với Trung Quốc. Việt Nam nên học Trung Quốc ở những điều họ đúng: Bộ trưởng công an không phải là ủy viên bộ chính trị. Có lẽ Đảng Cộng sản Trung Quốc coi công an là công cụ của bộ chính trị chứ không để bộ chính trị trở thành con tin của công an."
"Bộ Công an cũng không nên cấu trúc như hiện nay mà nên tách chức năng điều tra khỏi lực lượng cảnh sát..."
"Không có quốc gia nào có thể phát bền vững dựa trên sự sợ hãi. Tôi tin là giờ đây, Đại tướng Tô Lâm sẽ tư duy như một nguyên thủ chứ không phải tư duy như một người nắm chắc Bộ Công an, đặt quyền lợi quốc gia lên trên lợi ích của ngành," bài viết nêu.
Vào ngày 19/5, trước thềm họp thường kỳ Quốc hội khóa 15, Facebook Truong Huy San cũng có bài viết, trong đó lập luận rằng một người vừa làm chủ tịch nước vừa làm bộ trưởng Công an là trái với Hiến pháp.
Lúc bấy giờ, ông Tô Lâm đã được Đảng Cộng sản Việt Nam giới thiệu để Quốc hội bầu chủ tịch nước, trong khi ông vẫn chưa được miễn nhiệm chức bộ trưởng Công an và trong chương trình làm việc được công bố lúc bấy giờ của Quốc hội cũng không có nội dung miễn nhiệm này.
Tới ngày 21/5, Quốc hội mới thống nhất bổ sung vào chương trình nghị sự nội dung miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Công an đối với Chủ tịch nước Tô Lâm.
Bên cạnh những bài viết nói trên, Facebook Truong Huy San cũng nói đến rất nhiều các vấn đề khác như các cuộc chiến mà lịch sử chính thống Việt Nam ít nhắc đến hoặc nhắc không đầy đủ như Chiến tranh Biên giới 1979, Gạc Ma 1988, những bất cập của hệ thống nhà nước, pháp luật, chính sách của Việt Nam...
Nhà báo Huy Đức khi còn làm báo và cả sau này là cây bút chính luận hàng đầu Việt Nam.
Ông tên thật là Trương Huy San, sinh 1962, quê quán tại Hà Tĩnh.
Ông từng tham gia trong quân đội với hơn 3 năm ở Campuchia trong giai đoạn chiến tranh giữa Việt Nam với chính quyền Khmer Đỏ.
Ông từng là phóng viên của báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Bút danh Huy Đức được công chúng biết đến nhiều trong thời gian ông làm báo Tuổi Trẻ.
Ông cũng từng làm cho tờ Sài Gòn Tiếp Thị và bị sa thải vào năm 2009 vì bài viết "Bức tường Berlin" mà ông đăng trên blog cá nhân.
Sau khi rời các cơ quan báo chí nhà nước, ông trở thành một cây viết chính trị-xã hội nổi tiếng trên mạng xã hội với bút danh Osin.
Năm 2012, ông nhận học bổng một năm của chương trình Nieman trao cho một số phóng viên tu nghiệp và nghiên cứu tại Viện Đại học Harvard.
Là tác giả sách, ông được biết đến với bộ sách Bên thắng cuộc ra mắt độc giả vào năm 2012. Tác phẩm gồm hai cuốn là Giải phóng và Quyền bính, với trọng tâm là những diễn biến chính trị tại Việt Nam từ những năm 1950, đặc biệt là từ năm 1975 đến cuối những năm 1990.
Vào năm 2022, kỷ niệm 10 năm sách Bên thắng cuộc ra mắt, Ben Kerkvliet, một giáo sư hưu trí của Đại học Quốc gia Úc, viết cho BBC và khen ngợi rằng Bên thắng cuộc "tự nó là một thành tựu đáng khâm phục và sẽ vẫn là một đóng góp vô giá cho học thuật trong thời gian dài".
Nhà văn Trần Thanh Cảnh nói với BBC rằng bộ sách Bên thắng cuộc đã "bất tử cùng với lịch sử hiện đại của nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam".
"Những đóng góp của Huy Đức là vô giá cho văn hóa, lịch sử, văn học Việt Nam," ông chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.
Bên cạnh sự nghiệp viết, ông Trương Huy San cũng được biết đến với nhiều hoạt động xã hội.
Ông tham gia điều hành chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa nhằm hỗ trợ các gia đình tử sĩ, thương phế binh Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và các gia đình liệt sĩ, các cựu chiến binh, thương binh Trường Sa.
Gần đây, ông tham gia một số hoạt động trồng cây bảo vệ môi trường.