Lực lượng Thanh niên xung phong nói riêng cũng như thế hệ trẻ Việt Nam nói chung góp phần viết nên những trang sử xanh nối tiếp bề dày truyền thống đóng góp cho Tổ quốc của tuổi trẻ.
Khả năng làm việc dưới áp lực cao
Sức chịu đựng và khả năng làm việc dưới áp lực cao là điểm mạnh của người làm việc tại Hàn Quốc. Cuộc cạnh tranh trong môi trường kinh doanh yêu cầu sự cố gắng và sẵn sàng đối mặt với thách thức.
Khả năng làm việc dưới áp lực cao
Tinh thần trách nhiệm và đạo đức làm việc
Tinh thần trách nhiệm và đạo đức làm việc là một phần quan trọng của tinh thần làm việc của người Hàn. Họ coi trọng việc thực hiện công việc một cách đúng đắn và đảm bảo chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ được cung cấp.
Bài học cho doanh nghiệp: Xây dựng một tinh thần trách nhiệm và đạo đức làm việc trong doanh nghiệp có thể giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm/dịch vụ và tạo lòng tin từ phía khách hàng. Khuyến khích sự cam kết và trách nhiệm từ phía nhân viên có thể đóng góp vào sự thành công lâu dài của doanh nghiệp.
Ở Hàn Quốc, những người Hàn luôn đề cao danh dự và uy tín của bản thân, nên việc thường xuyên đi trễ ở những buổi làm việc sẽ được xem là một hành động thiếu sự chuyên nghiệp và bất lịch sự. Để tránh được những trường hợp này, việc cần làm chính là sắp xếp thời gian nghỉ ngơi và những kế hoạch, dự án quan trọng cần phải được ưu tiên, nhờ đó những vấn đề trễ nãi sẽ được hạn chế tạo nên sự chuyên nghiệp trong phong thái làm việc của cá nhân và doanh nghiệp.
Bài học cho doanh nghiệp: Tinh thần tôn trọng thời gian và tính chuyên nghiệp có thể mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Bằng cách khuyến khích nhân viên duy trì thời gian và tuân thủ giờ giấc, doanh nghiệp có thể tạo ra môi trường làm việc có kỷ luật và sự tổ chức cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc mà còn tạo lòng tin từ phía khách hàng và đối tác kinh doanh.
Nâng cao tinh thần làm việc với hệ thống MGE
Tại MGE – giải pháp đào tạo nội bộ doanh nghiệp, thường tập trung vào việc phát triển các kỹ năng quản lý và xây dựng cách thúc đẩy tinh thần làm việc trong doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả việc xây dựng và duy trì tinh thần làm việc tích cực và hiệu quả trong môi trường làm việc. Với hệ thống đào tạo trực tuyến MGE tinh thần đó được thể hiện qua:
Sau cùng, tinh thần làm việc của người Hàn mang trong mình những bài học quý báu cho doanh nghiệp. Từ tinh thần không ngừng phấn đấu đến sự hợp tác, sáng tạo, và trách nhiệm, những yếu tố này có thể giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và đạt được thành công trong môi trường kinh doanh ngày nay. Thêm vào đó, việc các doanh nghiệp áp dụng đào tạo trực tuyến MGE có thể giúp cải thiện và phát triển môi trường làm việc tích cực và hiệu quả trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, giúp nhân sự hình thành được phong thái và cách thức làm việc chuyên nghiệp, chu đáo, và hiệu quả hơn. Trên đây chính là những thông tin về tinh thần làm việc của người Hàn cùng những bài học quý báu cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.
https://tngvietnam.vn/phong-cach-lam-viec-cua-nguoi-han-quoc-tng-viet-nam/#ftoc-heading-9
Trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự tham gia của hầu hết các quốc gia trên thế giới, vai trò và hoạt động của Liên hợp quốc được mở rộng về mọi mặt, qua đó đem lại những tác động tích cực, to lớn đến đời sống quốc tế và mỗi quốc gia.
Một là, Liên hợp quốc phát huy vai trò to lớn, nỗ lực không mệt mỏi vì mục tiêu gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột, chiến tranh; thực thi những chuẩn mực cốt lõi của quan hệ quốc tế trong Hiến chương Liên hợp quốc. Trải qua những thăng trầm lịch sử, Liên hợp quốc vẫn luôn duy trì là một diễn đàn hòa bình để các bên đối thoại. Theo đó, Liên hợp quốc tích cực đóng vai trò trung gian hòa giải nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế thông qua thương lượng, sáng kiến giải pháp hòa bình cho hàng trăm cuộc xung đột ở các khu vực, với phạm vi và quy mô ngày càng được mở rộng. Nhờ có sự can thiệp của Liên hợp quốc, nhiều cuộc xung đột đã được giải quyết.
Hai là, trong 73 năm qua, hơn 500 điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong nhiều lĩnh vực đã được ký kết, tạo khuôn khổ chung cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia. Đặc biệt, những năm gần đây, Liên hợp quốc đạt được những thành tựu về hợp tác và phát triển toàn cầu, như ký kết Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, cải cách Hệ thống phát triển Liên hợp quốc, thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG 2015), triển khai Mục tiêu phát triển bền vững (SDG 2030); giải quyết các vấn đề toàn cầu về xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, bảo đảm quyền con người, cải thiện y tế, văn hóa, giáo dục, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu…
Ba là, Liên hợp quốc thực sự trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn cầu, nơi kết tinh các giá trị tiến bộ nhân văn và hiện thực hóa khát vọng vươn lên vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng. Từ 51 quốc gia thành viên khi được thành lập, đến nay, Liên hợp quốc có 193 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện gồm 5 cơ quan chính, nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên môn và 5 Ủy ban Kinh tế - Xã hội đặt ở các khu vực, hàng chục quỹ và chương trình hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, từ giải quyết và ngăn ngừa xung đột, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, bảo vệ người tị nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến thúc đẩy dân chủ, nhân quyền...
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, Liên hợp quốc cũng phải đối mặt với những thách thức. Bước sang thế kỷ XXI, thế giới chứng kiến sự “chuyển dịch”, biến động sâu sắc trên nhiều mặt, đặt ra những bài toán mới đối với tất cả các quốc gia. Phát biểu tại phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 diễn ra ở New Yord (Mỹ) tháng 9-2018, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng đang lan rộng trên toàn cầu. Lòng tin vào hệ thống quản trị toàn cầu trở nên mong manh trong bối cảnh những thách thức của thế kỷ XXI vượt xa khả năng xử lý của những thể chế và quan niệm của thế kỷ XX. Do vậy, những thách thức hiện hữu cần phải nhìn nhận.
Thứ nhất, thế giới đang chuyển động nhanh chóng với động lực mạnh mẽ từ những tiến bộ vượt bậc về khoa học - công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự lan tỏa theo xu thế tất yếu của toàn cầu hóa. Điều này mở ra nhiều cơ hội mới để đưa nhân loại bước vào giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ chưa từng có, góp phần củng cố xu thế lớn của toàn cầu về hòa bình, hợp tác và phát triển, song cũng đặt ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia, khu vực, thậm chí là những lệnh trừng phạt, trả đũa trong các cuộc chiến thương mại. Vòng xoáy mà chủ nghĩa bảo hộ và các biện pháp trả đũa lẫn nhau tạo ra có thể cản bước tiến của hệ thống thương mại đa phương và rộng hơn là làm suy yếu chủ nghĩa đa phương.
Thứ hai, hòa bình thế giới vẫn chưa được bảo đảm. Tình hình Bán đảo Triều Tiên đã có tiến triển, nhưng ở Trung Đông, châu Phi và nhiều “điểm nóng” khác trên thế giới, chủ nghĩa khủng bố, xung đột và nguy cơ xung đột vẫn hiện hữu. Tư duy cường quyền đề cao sức mạnh, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, sự gia tăng các biện pháp đơn phương tiếp tục là mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định quốc tế. Tình trạng bất công và bất bình đẳng còn tồn tại nhiều nơi trên thế giới.
Thứ ba, những thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng diễn biến phức tạp. Tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến thế giới chệch khỏi con đường hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Khí hậu khắc nghiệt và diễn biến thất thường - hạn hán kéo dài, các cơn siêu bão, lũ lụt và cháy rừng - đã và đang đe dọa những tiến triển chung của nhân loại. Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc đưa ra cảnh báo ngày 08-10-2018, nhiệt độ trên Trái đất có thể sẽ tăng 1,5 độ C trong giai đoạn 2030 - 2052 nếu hiện tượng ấm lên trên toàn cầu vẫn tiếp diễn với tốc độ như hiện nay và các nước không áp dụng các biện pháp khẩn trương nhằm ngăn chặn xu hướng này (1).
Tình trạng biến đổi khí hậu cùng những cuộc xung đột đang đẩy số người bị mất nhà cửa trên toàn cầu lên mức cao nhất trong lịch sử, theo đó, việc bảo vệ người tị nạn và người di cư là một thách thức vô cùng quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Dòng người di cư toàn cầu đã lên tới 250 triệu người, chiếm tới 3% dân số thế giới (2). Năm 2018, có hơn 1.600 người thiệt mạng khi liều mình vượt biển đến châu Âu, dù số lượng người tìm cách vượt biển đã giảm đáng kể so với những năm trước (3).
Không chỉ có vậy, theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc, trong năm 2017 có khoảng 821 triệu người bị đói, tương đương khoảng 10% dân số thế giới, đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp số lượng người bị đói toàn cầu gia tăng. Trong khi đó, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) thống kê có khoảng 155 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mãn tính và tình trạng thiếu dinh dưỡng ảnh hưởng đến hơn 2 tỷ người toàn cầu; ước tính mỗi 12 giây có một trẻ em thiệt mạng do không có thức ăn (4). Liên hợp quốc cũng cảnh báo nếu xung đột tiếp diễn và biến đổi khí hậu không được ngăn chặn, từ nay tới năm 2030, sẽ có 35 - 122 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói, đồng nghĩa với nguy cơ cộng đồng quốc tế thất bại trong cuộc chiến chống nạn đói.
Trước những thách thức nêu trên, để vận hành hiệu quả, linh hoạt và tập trung hơn, Liên hợp quốc đang đứng trước yêu cầu phải có sự cải tổ và cơ cấu lại tổ chức. Vấn đề cải tổ ở tổ chức quốc tế đa phương lớn nhất thế giới này đang là đòi hỏi bức thiết của bản thân Liên hợp quốc cũng như của cộng đồng quốc tế. Trong những năm tới, Liên hợp quốc cần tiếp tục sáng tạo và đổi mới trong bối cảnh các vấn đề và sự kiện thế giới đổi thay từng ngày. Liên hợp quốc sẽ tiếp tục là một nền tảng tạo điều kiện để các nước thành viên, các tổ chức khu vực tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu mà không một quốc gia nào, dù là các cường quốc giàu mạnh, có đủ sức giải quyết. Điều này đòi hỏi Liên hợp quốc phải nỗ lực trong việc xây dựng quan hệ đối tác với các nước thành viên, các tổ chức khu vực và quốc tế.
Trên tinh thần đó, Nhóm Quá độ của hệ thống phát triển Liên hợp quốc được thành lập nhằm đảm nhận vai trò lãnh đạo chiến lược và giám sát mọi khía cạnh của cuộc cải tổ hệ thống phát triển của Liên hợp quốc. Nhóm Quá độ sẽ hành động dựa trên các điều khoản của Nghị quyết 72/279 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, được các nước thành viên phê chuẩn ngày 31-5-2018. Nghị quyết này mở ra cuộc cải tổ hệ thống phát triển của Liên hợp quốc một cách toàn diện nhất và nhiều tham vọng trong những thập niên qua. Trong đó, Nghị quyết đòi hỏi phải thực thi một loạt cuộc cải cách dẫn đến những thay đổi đáng kể về cơ cấu, ban lãnh đạo, các cơ chế trách nhiệm và năng suất của toàn bộ hệ thống phát triển của Liên hợp quốc để đáp ứng những nhu cầu của các quốc gia đối với việc thực hiện hiệu quả Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (CTNS 2030).
Những đóng góp tích cực của Việt Nam
Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc ngày 20-9-1977. Vượt qua giai đoạn khó khăn sau chiến tranh, từng bước khôi phục phát triển kinh tế - xã hội với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, từ đó đến nay, sau nhiều thập niên tiến hành công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam dành được những thành tựu có ý nghĩa to lớn. Nhờ đó, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam không ngừng nâng cao. Bạn bè quốc tế đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam tại Liên hợp quốc. Việt Nam được bầu với số phiếu cao vào nhiều cơ quan của Liên hợp quốc, đặc biệt là Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2008 - 2009), Hội đồng Kinh tế - Xã hội (1998 - 2000 và 2016 - 2018), Hội đồng Nhân quyền (2014 - 2016), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015 - 2019), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2017 - 2021).
Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Việt Nam tích cực đóng góp vào quá trình xây dựng và thực thi các điều ước quốc tế của Liên hợp quốc, xây dựng một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chung của toàn nhân loại. Việt Nam luôn nhất quán trong việc đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc trong việc giải quyết các xung đột, tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực giải trừ quân bị và chống phổ biến vũ khí, nhất là giải trừ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, là một trong 10 nước phê chuẩn Hiệp ước Cấm Vũ khí hạt nhân sớm nhất vào tháng 5-2018.
Trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009, Việt Nam tham gia tích cực vào các nỗ lực ngăn ngừa khủng hoảng, gìn giữ hòa bình, có những đề xuất quan trọng về bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong xung đột, thúc đẩy quyền con người. Việt Nam tiếp tục ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020 - 2021. Ngày 25-5 vừa qua, tại cuộc họp của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương tại Liên hợp quốc, các nước nhất trí thông qua đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của Nhóm vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2020 - 2021) tại cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng 6-2019. Động thái này thể hiện sự ủng hộ và tín nhiệm cao của các nước trong khu vực đối với vai trò và năng lực của Việt Nam. Đây là kết quả bước đầu quan trọng, tạo thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình vận động các nước thành viên Liên hợp quốc ở các khu vực khác trong thời gian tới.
Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, diễn tập về an ninh phi truyền thống và các hoạt động khác. Từ tháng 6-2014, Việt Nam bắt đầu cử lực lượng tham gia, đến nay, Tổ công tác liên ngành về gìn giữ hòa bình đã đề xuất và cử 27 lượt sỹ quan làm nhiệm vụ dưới hình thức cá nhân tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở châu Phi. Đầu năm 2018, nữ sỹ quan Việt Nam đầu tiên được cử tham gia phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Ngày 01-10-2018, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam với hơn 60 cán bộ y, bác sỹ (trong đó có 10 cán bộ nữ) đã chính thức xuất quân lên đường tới Phái bộ Nam Sudan. Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử đội hình cấp đơn vị thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việt Nam đang tích cực chuẩn bị mọi mặt cho Đội Công binh, sẵn sàng cử tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ năm 2020; đồng thời xem xét, mở rộng việc cử đơn vị ở lĩnh vực khác tại phái bộ phù hợp. Tháng 6-2018, Cục Hỗ trợ thực địa Liên hợp quốc đã công bố kết quả thanh sát địa điểm huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại các nước thuộc ASEAN. Việt Nam cùng với 3 nước Campuchia, Indonesia, Thái Lan được chọn làm địa điểm huấn luyện binh sỹ gìn giữ hòa bình quốc tế luân phiên. Khóa huấn luyện đầu tiên sẽ diễn ra tại Việt Nam vào cuối năm 2018.
Được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014 - 2016), Việt Nam tham gia tích cực vào các nỗ lực thúc đẩy quyền con người trên thế giới, đề xuất và được thông qua Nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu với quyền trẻ em, đưa ra và tham gia nhiều sáng kiến như bảo vệ quyền lao động của người khuyết tật, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển, tăng cường giáo dục, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái... Đến nay, Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia các cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng Nhân quyền nói riêng, qua đó không chỉ thể hiện nỗ lực trong việc bảo đảm quyền cho mọi người dân mà còn là hình ảnh một nước Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, không ngừng đề cao tinh thần đối thoại và hợp tác trong vấn đề quyền con người, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác song phương với các nước bạn bè, các nước đối tác.
Trong năm 2016 - 2018, với tư cách thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC), Việt Nam hoạt động tích cực trong mảng kinh tế - phát triển tại Liên hợp quốc, nắm bắt xu thế, các chuyển động lớn của thế giới trong lĩnh vực phát triển để chủ động tham mưu xây dựng và triển khai các chính sách phát triển của Việt Nam, nêu các nhu cầu, quan tâm của Việt Nam cần sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, góp phần huy động nguồn lực cho phát triển thông qua hoạt động của các quỹ, chương trình tại Việt Nam.
Ngày 05-7-2018, Việt Nam và Liên hợp quốc đã ký Kế hoạch Chiến lược chung mới (OSP) cho giai đoạn 2017 - 2021 giữa Chính phủ Việt Nam và 18 cơ quan Liên hợp quốc. Đây là dấu ấn quan trọng nêu bật cam kết mạnh mẽ của Liên hợp quốc và Chính phủ Việt Nam trong Chương trình hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự vì sự phát biển bền vững đến năm 2030. Kế hoạch Chiến lược chung 2017 - 2021 được xây dựng phù hợp với Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội 2011 - 2020, Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội 2016 - 2020 của Việt Nam, các SDG 2030, cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người. Kế hoạch Chiến lược chung tiếp tục tạo thuận lợi cho việc mở rộng quan hệ đối tác giữa Liên hợp quốc, chính phủ, các đối tác tư nhân, các đối tác phát triển, các tổ chức và các nhóm phi chính phủ được thành lập hợp pháp. Đây cũng là nền tảng quan trọng để triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể giữa Việt Nam và Liên hợp quốc.
Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới, đồng thời phấn đấu đưa quan hệ hợp tác với Liên hợp quốc đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực. Việt Nam tiếp tục cùng các nước thành viên đề cao các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế công bằng, bình đẳng, hữu nghị và hợp tác, bảo đảm lợi ích chính đáng của tất cả các nước, nhất là các nước đang phát triển. Việt Nam sẽ tăng cường tham gia ở cấp độ cao hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, nỗ lực thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030, Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu,… ủng hộ các nỗ lực cải tổ Liên hợp quốc theo hướng nâng cao hiệu quả, minh bạch và dân chủ hóa trong mọi hoạt động của tổ chức./.----------------------
(1) Biến đổi khí hậu: Liên hợp quốc và Pháp hối thúc thế giới hành động khẩn cấp, TTXVN, ngày 09-10-2018
(2) Vấn đề người di cư: Đại hội đồng Liên hợp quốc tán thành hiệp ước toàn cầu về di cư, TTXVN, ngày 14-7-2018
(3) Vấn đề người di cư: Liên hợp quốc kêu gọi châu Âu khẩn trương tiếp nhận người di cư trên tàu Diciotti, TTXVN, ngày 25-8-2018
(4) Nghịch cảnh lãng phí lương thực trong khi trẻ chết đói gia tăng, TTXVN, ngày 17-10-2018
Phật giáo Nguyên thủy thường cho rằng kinh Đại thừa không phải Đức Phật nói và các học giả nghiên cứu Phật giáo cũng chấp nhận điều này. Riêng tôi, lúc mới vậy, Phật giáo Đại thừa có phải thuộc ngoại đạo hay không, hay nói nhẹ hơn là do ngoại đạo thâm nhập vào đạo Phật chăng? Tại sao họ lại nói như vậy? Thiết nghĩ, trước nhất chúng ta thấy kinh Đại thừa có nhiều điểm giống ngoại đạo và nói nhiều về chư Thiê chư thần, về sau Kim Cang thừa lại thêm thần chú.
Trong kinh Nguyên thủy không nói đến chư thần, chư Bồ tát và thầ chú. Đề cập đến chư Phật quá khứ, Phật giáo Nguyên thủy chỉ công nhận có Phật Câu Lưu Tôn, Phật Câu Na Hàm và Phật Ca Diếp và hiện tại có Đức Phật Thích Ca, tương lai có Đức Phật Di Lặc ra đời. Các vị tu sĩ Nam tông nói với tôi rằng họ là Sa môn không lạy Đức Di Lặc, vì Ngài chưa thành Phật, mà đang đóng vai chư Thiên.
Trong khi theo Phật giáo Đại thừa, các Bồ tát hiện thân cư sĩ rất nhiều. Chúng ta lạy các Bồ tát như Quan Âm, Phổ Hiền, Văn Thù, Di Lặc, v.v… một cách tự nhiên và cung kính các Ngài với tất cả tấm lòng. Phật giáo Nguyên thủy cho rằng tu sĩ Phật giáo Đại thừa không phải là Sa môn. Vì vậy, nếu chúng ta tu theo Nguyên thủy, thì phải làm lễ xuất gia lại, thọ giới lại. Điển hình như chư vị Hòa thượng Tịnh Sứ, Giới Nghiêm, Ẩn Lâm là những vị lãnh đạo Phật giáo Nguyên thủy, nhưng lúc đầu các Ngài theo Phật giáo Đại thừa và phải thọ giới Tỳ kheo lại khi theo Nguyên thủy.
Khi Phật giáo Việt Nam tìm cách thống nhất sinh hoạt của Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Bắc tông, thì bước đầu gặp rất nhiều khó khăn; vì theo quan niệm của Phật giáo Nguyên thủy, không coi chúng ta là Sa môn. Riêng tôi, để kết nối Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Nguyên thủy, tôi đã nghiên cứu và giảng giải những điểm tương thông giữa kinh điển Đại thừa và Nguyên thủy. Đó là điều tất yếu chúng ta phải thực hiện cho được.
Thật vậy, tôi phát hiện rằng Phật giáo Nguyên thủy là gốc, không thể bỏ được, nhưng phải phát triển thành Phật giáo Đại thừa; vì nếu chúng ta giữ nguyên cái gốc Nguyên thủy, không phát triển thì Phật giáo không thể nào tồn tại được, sẽ bị mai một theo thời gian.
Thiết nghĩ danh xưng Phật giáo Phát triển dễ được chấp nhận hơn là Phật giáo Đại thừa. Vì nếu coi mình là Đại thừa, nghĩa là lớn thì sẽ đối lập với Tiểu thừa, coi họ là nhỏ, chắc chắn Phật giáo Nguyên thủy không chấp nhận. Chúng ta nên hiểu chữ “Đại” là đại chúng hóa, tức phát triển Phật giáo cho thích nghi tương ưng với đại chúng là số đông; vì nếu Phật giáo mang tính thuần nhất sẽ bị giới hạn, không phổ biến cho nhiều người được, mà bị thu hẹp lại trong phạm vi nhỏ. Tuy nhiên, muốn đưa Phật giáo ra đại chúng, cho nhiều người theo, phải thể hiện được nhiều dạng sinh hoạt khác nhau để thích hợp với nhiều tầng lớp xã hội, tương ưng với phong tục tập quán, nếp sống, nếp nghĩ rất đa dạng của nhiều quốc gia khác nhau. Nếu Phật giáo không được phát triển theo hướng đa đạng đa phương như vậy, chắc chắn sẽ bị cô lập, thử nghĩ còn được bao nhiêu nước theo Phật giáo ?
Ngày nay, Phật giáo Nguyên thủy đã phải công nhận thế mạnh này của Phật giáo Đại thừa trong việc hoằng truyền Chánh pháp trên khắp năm châu, đó là hướng tốt cho chúng ta trong việc kết nối với Phật giáo Nguyên thủy. Ngoài ra, Phật giáo Đại thừa cũng phải chấp nhận Phật giáo Nguyên thủy là hình thái gốc của chúng ta. Nhận thức đúng đắn như vậy, tuy giới Phật giáo có hai màu áo khác nhau, sinh hoạt khác nhau, nhưng không chống nhau; trái lại, cùng nhau thể hiện tinh thần hòa hợp. Sự hòa hợp này có nghĩa là chấp nhận những điểm khác nhau; hòa hợp nhưng không phải là một.
Chư Tăng chùa Fanyin, Ngũ Đài Sơn trình diễn âm nhạc Phật giáo tại Lễ hội Văn hóa Phật giáo Ngũ Đài Sơn lần thứ IV năm 2007.
Thể hiện tinh thần hòa hợp này, phương châm của Giáo hội Phật giáo chúng ta là thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức; đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chánh pháp. Vì vậy, hòa hợp là ai theo Phật giáo Nguyên thủy, hay Phật giáo Khất sĩ, hoặc Phật giáo Đại thừa, Phật giáo Cổ truyền, v.v… đều được, miễn là đúng Chánh pháp; những gì không đúng, không thích hợp với thời đại thì tự mất. Thực hiện điều này, trong năm nhiệm kỳ hoằng pháp vừa qua, tôi cố gắng tạo sự dung hòa trong thế tôn trọng lẫn nhau, không phải loại bỏ nhau. Chúng ta vẫn tôn trọng sự biệt truyền, vì nhìn nhau theo hướng đa dạng, đa phương nên không có gì trở ngại.
Đạo Phật lấy con người làm gốc, không chủ trương tôn sùng thần linh tuyệt đối; nhưng con người đều có nhu cầu khác nhau, đương nhiên ngoài xã hội còn rộng hơn nhiều. Có thầy tôn kính Đức Quan Âm, nhưng có thầy không có niềm tin này. Chắc chắn là tín ngưỡng của quần chúng đa dạng, không thể hoàn toàn giống nhau. Nhận ra yếu nghĩa này, chúng ta thấy rõ Phật giáo phát triển có nghĩa là phải hội nhập mới tồn tại.
Chúng ta nên gọi là Phật giáo Bắc tông, vì truyền lên phía Bắc và Phật giáo Nam tông vì truyền xuống phía Nam; đó là hai hướng hoạt động chính của Phật giáo từ khởi đầu con đường truyền bá Chánh pháp. Phật giáo truyền xuống phía Nam là xuống đảo Tích Lan, ở đó kinh Pali được in thành sách đầu tiên, chứ không phải ở Ấn Độ. Và đến Tích Lan, Phật giáo chiếm vị trí độc tôn, vì văn minh nhân loại không có mặt ở đây.
Về sau, từ Tích Lan, Phật giáo được truyền sang Thái Lan, Miến Điện, Campuchia, Lào và ở các nước này cũng không có nền văn minh lớn nào cả, nên Phật giáo vẫn giữ vai trò độc tôn. Mặc dù nói rằng Phật giáo của các nước này có vị trí độc tôn, nhưng thật sự cũng phải hội nhập xã hội mới tồn tại. Vì vậy, tuy mang hình thức Phật giáo Nguyên thủy, nhưng chắc chắn phải có sự phát triển để thích nghi với từng nước khác nhau. Cho nên, cùng mang hình thức Nam tông, nhưng Phật giáo Thái Lan khác với Phật giáo Lào và Phật giáo Lào cũng khác với Phật giáo Campuchia.
Thật vậy, ít nhất trong hệ phái Nam tông cũng có hai hệ phái, một hệ phái Phật giáo của giới quý tộc, hoàng gia và một hệ phái Phật giáo của đại chúng để người dân thường được xuất gia, tu học theo. Rõ ràng là Phật giáo Nam tông cũng có sự phân biệt này để thích nghi với nhu cầu xã hội, vì sinh hoạt của giới xuất gia được vua chúa bảo hộ, nhưng số này cũng có giới hạn; cho nên phải mở rộng thêm cho Phật giáo truyền thông được với quần chúng để số đông dân chúng có thể nương tựa Tam bảo; như vậy, Phật giáo Nam tông cũng đã có sự phát triển rồi.
Phật giáo Nam tông tại năm nước Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia có tính cách thuần Phật giáo, vì họ không tiếp nhận được nền văn minh nào khác. Trong khi Phật giáo Bắc tông ngoài truyền thống Phật giáo, còn tiếp thu văn minh Ấn Độ là một trong những nền văn minh cổ đại rất lớn của nhân loại có trước khi Đức Phật ra đời. Theo kiến giải của Phật giáo Bắc tông, Đức Phật kế thừa văn minh này, nhưng Ngài kế thừa có chọn lọc và kế thừa đối lập. Nghĩa là những gì cổ đức giảng dạy, Đức Phật loại bỏ điều không thích hợp và sử dụng những gì thích hợp, không phải bác bỏ tất cả. Thực tế cho thấy nếu chúng ta bác bỏ cái cũ sẽ bị sức đối lập rất mạnh, nhất là các thầy trẻ tiếp thu văn minh mới dễ đối lập với Phật giáo truyền thống, thì sẽ bị họ nhận chìm.
Chính vì sự kế thừa có chọn lọc như vậy, chúng ta nhận thấy trong kinh Nguyên thủy, những lời Phật dạy phảng phất tư tưởng của Bà la môn giáo, của Phệ Đà, của sáu phái ngoại đạo Upanishad. Những gì Đức Phật phê phán ngoại đạo, chúng ta gọi là kế thừa đối lập. Người xưa cũng nói rằng xe trước đổ, xe sau tránh. Dấu mòn cũ cũng giúp chúng ta thấy đúng sai, thấy có hố xe đổ, chúng ta phải dừng lại, tìm đường khác mà đi. Nhờ học thuyết không đứng vững, chúng ta nảy sinh được tư tưởng mới; còn kế thừa theo truyền thống thì cứ nhắm mắt theo.
Quán sát thời Phật tại thế, lúc đó đạo Bà La Môn đã rơi vào tình trạng suy đồi đến mức xã hội không chấp nhận. Và Đức Phật đã kế thừa đạo Bà La Môn trong thế đối lập, nên được dân chúng Ấn thời đó tin theo. Tư tưởng đối lập của Phật là gì ? Nghĩa là Đức Phật bác bỏ chủ trương tập ấm, tập truyền của Bà La Môn. Ngài khẳng định rằng con người không có giai cấp, không nhất thiết người theo đạo Bà La Môn thì thông minh, vì trí thông minh đều có trong bốn giai cấp thời đó.
Tư tưởng mới của Đức Phật là không chấp nhận giai cấp mà chỉ Đức Phật mới đủ tư cách nói lên chân lý này, vì Ngài xuất thân từ giai cấp cao trong xã hội bấy giờ. Quần chúng Ấn Độ đã tin theo Phật, vì Ngài nói lên nguyện vọng của họ, bênh vực quyền lợi cho họ. Đến khi quần chúng theo Phật đông, uy tín Phật rất mạnh, đạo lực Phật siêu việt, nên buộc vua chúa cũng phải theo Ngài. Đức Phật đã dung hóa được bốn giai cấp vốn không thể nhìn nhau, mà nay có thể ngồi lại với nhau, tạo thành xã hội an lạc thật sự.
Chủ trương không có giai cấp do Đức Phật đề ra, chúng ta nên hiểu như thế nào? Nếu nhìn đúng như thật, chúng ta phải thấy sự bình đẳng luôn hiện hữu trên chân lý, còn trong thực tế xã hội này, phải chấp nhận có sự sai biệt khác nhau của từng người. Đừng hiểu lầm rằng thực tế cuộc sống này không có sai biệt mới tốt; vì không thể nào không có sự sai biệt giữa con người. Thật vậy, chúng ta cùng tu theo Phật giáo, nhưng tôi thuyết pháp, thầy Tại làm thư ký, thầy Quang Thạnh thì vận động Phật tử mở đầu việc cúng dường hai tuần cho trường hạ. Tất cả chúng ta, mỗi người có một việc khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là giữ gìn uy tín, danh dự của trường hạ này. Không phải tất cả mọi người ở đây cùng làm một việc. Tùy theo trình độ, tùy khả năng, tùy hoàn cảnh mà chúng ta đóng góp cho Phật giáo khác nhau, không loại bỏ ai ra ngoài; đó là tinh thần phát triển, trừ bỏ một thành phần nào cũng làm cho Phật giáo bị suy yếu, bị phân hóa.
Giáo hội Phật giáo chúng ta nhờ đoàn kết và chấp nhận sự sai biệt của các hệ phái, nên đã thành tựu một số việc đáng kể trong suốt 30 năm qua. Mỗi người làm một việc đúng với khả năng mình, nhất định đều đóng góp được lợi ích cho đạo pháp. Phật giáo Đại thừa triển khai giáo pháp cho đại chúng theo được, từ đó mới có những nhân vật của truyền thống Ấn Độ, như Đại Phạm Thiên vương, Trì Quốc Thiên vương, Tỳ Sa Môn Thiên vương là chư Thiên mà người Ấn tin tưởng. Đó chính là tinh thần kế thừa có chọn lọc, tức có sự thay đổi mà dân chúng Ấn chấp nhận được.
Với tinh thần dung hóa như vậy, Phật giáo phát triển truyền lên phía Bắc gặp văn minh Ai Cập, Hy Lạp, La Mã là ba nền văn minh lớn của Trung Đông và tiếp thu ba nền văn minh này, hình thành tư tưởng Phật giáo Đại thừa. Như vậy, có thể nói vào thời kỳ đó, tư tưởng Phật giáo đã trở thành đỉnh cao của văn minh nhân loại. Nhưng khi Phật giáo phát triển mạnh mẽ như vậy, cũng phạm phải sai lầm. Thật vậy, Phật giáo rực rỡ ở Iran, Irak với những pho tượng Phật vĩ đại cao đến 60 - 70 mét, nhưng dân chúng ở đây không theo đạo Phật. Phật giáo mạnh về tư tưởng siêu tuyệt, nhưng yếu vì không thâm nhập được vào đời sống quần chúng. Vì vậy, từ vị trí thống lĩnh toàn cầu về tư tưởng, Phật giáo đã rơi vào thế yếu, vì bỏ rơi quần chúng. Không kết hợp được với quần chúng, nên Phật giáo bị phân hóa, cuối cùng bị Hồi giáo sát hại. Đây là bài học ngàn vàng mà quý thầy cần ghi nhớ, sự phát triển về tư tưởng rất cần thiết, nhưng lực lượng quần chúng cũng quan trọng không kém. Ngày nào Phật giáo không còn là nơi nương tựa vững chắc của quần chúng thì biết Phật giáo sắp bị tận diệt.
Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói rằng quần chúng là quan trọng nhất. Dù chúng ta có lên đến đỉnh cao là Phật, nhưng không phải ngự mãi trên cao này được. Trở về thực tế, thầy nào có hai, ba bằng cấp tiến sĩ, đừng nghĩ mình là nhất; vì không có quần chúng ủng hộ, sẽ bị rớt xuống. Nền tảng là quần chúng chiếm 80%, thành phần ở giữa khoảng 20% và ở trên đỉnh chỉ có 1%.
Phật giáo Việt Nam rất may mắn, vừa tiếp thu được những nền văn minh của Ấn Độ, Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, lại đón nhận thêm nền văn minh Trung Hoa. Và chính bậc Đại Thiền sư lỗi lạc là Ngài Vạn Hạnh đã vận dụng được năm nền văn minh này vào việc hoằng hóa lợi sinh ở đất nước Việt Nam nhỏ bé, tạo thành sức mạnh siêu quần cho đất nước chúng ta nói chung và làm nên thời kỳ vàng son cho Phật giáo Lý Trần nói riêng.
Có thể khẳng định Phật giáo Bắc tông tôn thờ các thần linh, nhưng chính yếu vẫn là phát huy năng lực của con người. Còn tiếp thu để biến mình trở thành kẻ nô lệ là sai lầm, không phải mục tiêu của Phật giáo Đại thừa.
Phật giáo đời Lý phát triển lên đến đỉnh cao, các thiền sư đều là nhà trí thức; cho nên trong 51 nhà văn của đất nước ta đã có đến 49 nhà sư. Bấy giờ các nhà sư chỉ lo làm thơ, viết văn, không ai làm việc cầu an cầu siêu cho quần chúng, thì mất tín đồ là sự thật hiển nhiên. Thiết nghĩ Phật giáo càng phát triển cao về triết lý thì càng xa rời quần chúng. Ý thức điều này, tôi xây dựng đạo tràng Pháp Hoa là xây dựng quần chúng. Tôi làm được một số Phật sự nhờ có hơn 100 đạo tràng từ Cà Mau đến Móng Cái với trên hai vạn tín đồ. Trên tinh thần xây dựng quần chúng, Phật giáo Nhật Bản cũng quy định mỗi thầy phải hóa độ được ít nhất là 100 gia đình. Còn chúng ta lo tu học nhiều, mà không quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân là điều bất lợi cho Phật giáo. Chúng ta vẫn tu, vẫn học, nhưng khi bổn đạo cần chúng ta hộ niệm cầu an hay cầu siêu, thì nên làm, vì đó là hành Bồ tát đạo để Phật giáo tồn tại trên thế gian này.
Theo tôi, tông phái nào cũng được, quan trọng là quần chúng có chấp nhận và tu theo được hay không. Và khi được quần chúng ủng hộ rồi, chúng ta không nên xé lẻ ra mà nên sinh hoạt chung trong Giáo hội. Thấy người làm được việc, chúng ta kính trọng, không nên gièm pha. Hòa thượng Thanh Từ xây dựng được nhiều thiền viện, độ được nhiều Tăng Ni, Phật tử, Ngài là bậc cao tăng đáng kính trọng. Hoặc Hòa thượng Nhất Hạnh thành công trên con đường hoằng pháp khắp thế giới. Tôi coi thành công của Ngài là thành công của Phật giáo Việt Nam , rất đáng được trân trọng. Ngài truyền đạo ở các nước Tây phương, nên phải thích nghi với văn hóa Tây phương. Ngài để tượng Đức Phật nhìn tượng Đức Chúa, hai đấng giáo chủ này mỉm cười với nhau. Nếu không hiểu Hòa thượng thì chê bai, nhưng đạo hạnh của Ngài đã cảm hóa được nhiều người, đó là tinh thần đa dạng, đa phương của Phật giáo Đại thừa.
Trong kinh Pháp Hoa, ý này được Đức Phật ví như đất sét, tùy theo yêu cầu của người tiêu dùng mà người thợ tạo ra những món đồ khác nhau, tiêu biểu cho những phương tiện của đạo Phật. Cũng giống như vậy, đến đâu hành đạo, nếu người ta cần coi ngày giờ tốt xấu, tôi cũng coi được, để đáp ứng nhu cầu của quần chúng, nhưng cốt lõi bên trong của mình vẫn là tu sĩ Phật giáo. Còn phương tiện thì đa phương, đa dạng và tùy theo thời gian mà chúng ta thay đổi cho thích hợp, để dần dần dìu dắt mọi người theo Phật đạo.
Tóm lại, để sinh hoạt Phật giáo tồn tại và phát triển trên thế gian này, chúng ta không chỉ lo phát triển số đông tín đồ, mà quên việc đào tạo người lãnh đạo, quên việc phát triển đức hạnh và tâm linh của người tu; hoặc ngược lại, không phải chỉ chú trọng việc tu học, mà không quan tâm đến việc hướng dẫn quần chúng ứng dụng Phật pháp vào cuộc sống hàng ngày, hay không đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của số đông người dân thường.
Tăng Ni và Phật tử, mỗi người bằng tất cả tấm lòng vì đạo của mình và tùy theo khả năng, tận lực đóng góp cho ngôi nhà Phật giáo luôn là bóng mát bình yên cho mọi người nương tựa. Đó chính là chân tinh thần Phật giáo Đại thừa hướng đến cho mọi người, vì hạnh phúc, an vui của mọi người.
“Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp. Góp phần vào thành công này có công sức của các cơ quan báo chí và các nhà báo”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá rất cao sự đóng góp của các nhà báo trong phát biểu tại cuộc họp báo ngay sau khi Đại hội Đảng kết thúc. “Có thể nói, kỳ Đại hội này cũng là kỳ Đại hội thành công trên phương diện báo chí” - Nhiều nhà báo đã nhận xét như vậy bởi kỳ Đại hội này các nhà báo được tạo những điều kiện tốt nhất khi tác nghiệp tại Trung tâm báo chí Đại hội.
Trung tâm được đầu tư các trang bị phương tiện máy móc mới, hiện đại; các điều kiện về đường truyền tốt nhất. Đặc biệt là việc cung cấp thông tin rất đầy đủ, nhanh, chính xác, vì vậy, giúp cho các nhà báo có lượng thông tin nhiều, đa dạng, góp phần đưa thông tin có định hướng, đáp ứng yêu cầu chung của công chúng và riêng của mỗi cơ quan báo chí.
Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ trao đổi với lãnh đạo Ban Thời sự, Trung tâm Sản xuất và lưu trữ chương trình - 2 đơn vị phối hợp thực hiện buổi tường thuật trực tiếp phiên khai mạc trên sóng phát thanh VOV1.
Kỳ Đại hội XIII này, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cử một đội ngũ hùng hậu với hơn 40cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên (thuộc các loại hình phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử) tham gia tác nghiệp. Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, VOV đã lên kế hoạch từ rất sớm, phân bố nội dung, hình thức và phương án tác nghiệp.
Đặc biệt, VOV đã tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên về những nội dung chính của Đại hội, những yêu cầu đặt ra trong việc đưa tin, đáp ứng nhu cầu của công chúng của cả 4 loại hình báo chí và trên nền tảng số. Nơi làm việc của VOV tại Trung tâm báo chí được trang trí đẹp, nổi bật, được tổ chức khoa học và đảm bảo cho việc biên tập, phát sóng trực tiếp và cung cấp các đường truyền audio cho các đài địa phương và nước ngoài có nhu cầu.
Khu làm việc phục vụ Đại hội Đảng XIII của VOV hoàn thành sớm và ấn tượng
Bước vào tuần cao tuyên truyền Đại hội Đảng (từ 20/1 đến 3/2/2021), trên sóng phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử của VOV các thông tin về Đại hội Đảng và các vấn đề liên quan tới Đại hội, liên quan đến văn kiện, nghị quyết và tâm tư tình cảm của cán bộ, đảng viên, nhân dân đã được đưa tin, phản ánh rất đầy đủ và sâu, nhiều góc độ mới, hình thức hấp dẫn...Những ngày Đại hội diễn ra, các phóng viên đã bám sát các sự kiện, thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu về những vấn đề nóng hổi mà công chúng quan tâm như vấn đề nhân sự, bầu cử, việc triển khai thực hiện nghị quyết...
Tính trung bình, trong tuần cao điểm này, hàng ngày các đơn vị của VOV đã chuyển tới công chúng gần 200 tin, bài, chương trình, chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục trên các kênh, báo của VOV. Nhiều nội dung được nhanh chóng dịch ra các thứ tiếng dân tộc, các thứ tiếng nước ngoài và phát sóng phục vụ công chúng đặc biệt là người dân tộc thiếu số và người nước ngoài.
Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng (thứ 2 từ trái qua) kiểm tra và chỉ đạo nhóm tường thuật trực tiếp trên sóng phát thanh VOV1.
Có thể nói, quan trọng nhất của đợt tuyên truyền là việc tường thuật trực tiếp Lễ Khai mạc, Bế mạc trên sóng phát thanh Thời sự VOV1 và tiếp sóng truyền hình trực tiếp trên VTC, VOVTV. Trong ngày khai mạc, Ban Thời sự VOV1 đã mở sóng chương trình đặc biệt bắt đầu từ 6h sáng với chủ đề “Rạng danh Tổ quốc cơ đồ Việt Nam”. Chương trình kéo dài đến 8h để vào tường thuật phiên khai mạc và bế mạc.
Trước khi tường thuật Lễ Bế mạc, Ban Thời sự cũng tổ chức chương trình đặc biệt chủ đề “Cờ Đảng giục ta đi tới”. Các chương trình đặc biệt đều có khách mời và nối các cấu phát thanh trực tiếp tới các địa phương, đến một số nước trên thế giới qua các cơ quan thường trú trong nước và nước ngoài để phản ánh tâm tư tình cảm của cán bộ đảng viên với Đảng.
Các biên tập viên, kỹ thuật viên VOV tường thuật trực tiếp phiên khai mạc Đại hội XIII trên sóng phát thanh VOV1.
Các chương trình đặc biệt và các buổi tường thuật trực tiếp này của VOV được gần 60 Đài PT-TH tỉnh, nhiều đài truyền thanh quận, huyện và truyền thanh phường, xã phường tiếp sóng. Kênh VTC1 ngoài tiếp sóng truyền hình trực tiếp các phiên khai mạc, bế mạc còn tổ chức các chương trình đặc biệt đển nhắc lại những mốc son chói lọi của Đảng, bàn luận những vấn đề đặt ra trong nhiệm kỳ mới...
VOV có sáng kiến gửi các đường link phát thanh, truyền hình trực tiếp trực tiếp trên VOV1, VOV.VN, VTC News, VTC1, VOV Livetới 23 Đài PT-TH quốc tế để họ tiếp phát và theo dõi, khai thác, phản ánh toàn bộ các hoạt động của Lễ khai mạc Đại hội XIII.
Nhóm phóng viên Đài truyền hình kỹ thuật số VTC (thuộc VOV) đang tác nghiệp.
2 báo điện tử VOV.VN và VTC News đều phát trực tuyến chương trình lễ khai mạc, bế mạc Đại hội XIII; có phỏng vấn các đại biểu, chùm ảnh, video, infographic, e-Magazine....sinh động, đẹp, ấn tượng phản ánh phản ánh toàn diện các hoạt động của Đại hội.
Đặc biệt, tối muộn 30/1, VOV là đơn vị đầu tiên thông tin kết quả bầu cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. VOV1 mở sóng đọc trực tiếp từ studio dã chiến được thiết lập tại Trung tâm báo chí; VOV.VN, VTC News lập tức đăng tải danh sách 200 Ủy viên BCH Trung ương khóa XIII trên báo cònVTC1 lên sóng breaking news.
Cùng với các nhà báo, nhiều nghệ sỹ của Nhà hát Đài TNVN như Đăng Dương, Việt Hoàn, Đinh Trang... đã tham gia vào chương trình nghệ thuật “Khát vọng- Tỏa sáng” chào mừng thành công của Đại hội XIII được tổ chức tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình tối2/2.
Phóng viên VOV cùng các đồng nghiệp phỏng vấn ông Lê Mạnh Hùng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Trước diễn biến mới phức tạp của dịch COVID-19, phóng viên VOV tác nghiệp tại Đại hội XIII thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Đánh giá những đóng góp của cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, nghệ sỹ của VOV trong quá trình phục vụ Đại hội XIII, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc VOV cho rằng: “VOV đã tham gia với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tận tâm và đạt được hiệu quả thông tin tuyên truyền nhanh nhạy, sắc bén, chủ động, bài bản, tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Kết quả đợt tuyên truyền này một lần nữa khẳng định sức mạnh của VOV một cơ quan báo chí chủ lực đa loại hình, đa phương tiện, đa nền tảng, đa ngôn ngữ”.
Phóng viên Báo điện tử VOV thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang khi tác nghiệp.
Sau Đại hội, VOV bắt đầu triển khai kế hoạch tuyên truyền kết quả thành công rất tốt đẹp của Đại hội; triển khai các hoạt động đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống như: Tập huấn cho cán bộ phóng viên về những điểm quan trọng của nghị quyết 13; mở chuyên mục Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống thông qua các chương trình đặc biệt, các chương trình tọa đàm, bình luận; tổ chức cuộc thi viết “Đảng trong cuộc sống của tôi”.../.
Thành Tuyên/VOV.VN Ảnh: Trọng Phú
Truyền thống yêu nước và tinh thần thượng võ như sợi chỉ đỏ xuyên suốt những trang sử vàng của dân tộc Việt Nam nói chung cũng như vùng đất và con người Hưng Yên nói riêng.
Hưng Yên ngày nay là vùng đất thuộc ba xứ xưa kia gộp lại, xứ Bắc trước kia có các huyện Văn Giang, Văn Lâm và một phần huyện Yên Mỹ; xứ Đông gồm Mỹ Hào, Yên Mỹ; xứ Nam gồm Khoái Châu, Kim Động, Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ. Theo nhà sử học Phan Huy Chú nhận xét: Xứ Bắc “mạch đất tốt tụ vào đấy nên nhiều chỗ có dấu tích đẹp, tinh hoa hợp vào đấy nên sản sinh ra nhiều danh thần…”; xứ Nam “Địa thế trấn này rộng, xa, người nhiều, cảnh tốt, là bậc nhất trong bốn thừa tuyên… là đất tụ khí anh hoa, tục gọi là văn nhã…”; xứ Đông “là một nơi giàu thịnh và xứng đáng là một xứ có danh tiếng”. Địa danh Hưng Yên được đánh giá là miền đất linh - người tuấn kiệt.
Hòa cùng hòa khí Việt Nam anh hùng, người Hưng Yên chảy trong mình dòng nhiệt huyết yêu nước và tinh thần thượng võ. Với địa thế chiến lược, cửa ngõ tây nam của thủ đô Hà Nội và kinh thành xưa, bao lần Hưng Yên là chiến tuyến oanh liệt giữa quân ta với giặc ngoại xâm. Người Hưng Yên rất đỗi tự hào về truyền thống yêu nước và tinh thần thượng võ. Những tấm gương anh hùng, tiêu biểu trong lĩnh vực quân sự như: Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục), các tướng quân Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Trung tướng Nguyễn Bình… Người Hưng Yên sống bất khuất, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh giành độc lập, tự do khi đất nước có giặc ngoại xâm. “Lấy đạo nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, với lòng căm thù giặc sâu sắc, họ bám đất, bám làng, lớp lớp thế hệ đoàn kết đấu tranh dù già - trẻ, gái - trai; họ đã cầm gươm, cầm súng, cầm đòn gánh, búa, liềm… bằng mọi thứ có trên tay, nhất tề giết gặc. Qua máu lửa chiến tranh, dù mất mát, hy sinh, các thế hệ người Hưng Yên đã đóng góp hào hùng cho lịch sử dân tộc.
Mở đầu trang sử chống xâm lăng của Nhân dân Hưng Yên là chiến công của 3 chàng trai làng Thổ Hoàng (huyện Ân Thi), của Hoàng An ở làng Phả Lễ (huyện Văn Lâm) đã cùng Phù Đổng Thiên Vương đánh đuổi giặc Ân ở đời Hùng Vương thứ 6. Tiếp theo đó là chiến công của các Lạc tướng Đặng Minh Đức, Đặng Chiêu Trung trên đất Nghĩa Trang (huyện Yên Mỹ). Năm 214 trước công nguyên, quân Tần kéo sang Âu Lạc xâm lược, Nhân dân địa phương đã sát cánh chiến đấu trong đội quân của Trương Hoàng, Trương Tính (huyện Yên Mỹ), của Nguyễn Bảo (huyện Tiên Lữ), lập nhiều chiến công.
Suốt ngàn năm Bắc thuộc, Nhân dân Hưng Yên đã nung nấu chí khí căm thù quân xâm lược, nuôi dưỡng tình cảm yêu nước và quê hương. Mùa Xuân năm 40, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống ách thống trị của nhà Đông Hán bùng nổ, nhanh chóng cuốn hút Nhân dân trong nước vào cơn bão táp đó. Trong đội ngũ các tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa có Nguyệt Thai, Nguyệt Độ (huyện Khoái Châu), Lã Văn Ất (huyện Văn Giang), Hương Thảo (huyện Ân Thi), Mã Châu (thành phố Hưng Yên), Trần Lữu (huyện Tiên Lữ)… đã góp phần đánh đuổi tên thái thú Tô Định, giải phóng Luy Lâu, Chu Diên và hơn 60 thành trì khác. Tên tuổi của họ, nhất là các nữ tướng còn sống mãi trong lòng Nhân dân.
Năm 542, cuộc khởi nghĩa chống lại ách thống trị của nhà Lương do Lý Bí lãnh đạo bùng nổ, đã nhận được sự hưởng ứng kịp thời của Triệu Túc - thủ lĩnh vùng Chu Diên và con trai của ông là Triệu Quang Phục. Sau khi chiếm được Long Biên, đánh tan cuộc phản kích của quân Lương, giữa năm 543, Lý Bí lên ngôi, lấy hiệu là Lý Nam Đế, lập nước Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên. Hai năm sau, giặc đưa quân sang phản công, Lý Nam Đế tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến. Năm 548, Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục lên thay, đã lui quân về Dạ Trạch (huyện Khoái Châu), xưng là Triệu Việt Vương, giáng cho quân Lương nhiều đòn chí mạng, giết chết tướng giặc là Dương Sàn, giành lại quyền độc lập trong 20 năm.
Khi đất nước giành lại quyền tự chủ, nhà Nam Hán lại lăm le xâm lược nước ta. Để đánh tan mưu đồ của giặc, năm 938, Ngô Quyền đóng đại bản doanh tại phố Vương (phố Giác, huyện Tiên Lữ) chuẩn bị cho trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng, đã nhận được sự phối hợp tác chiến của tướng quân Phạm Bạch Hổ (thành phố Hưng Yên) và sự giúp đỡ của Nhân dân huyện Tiên Lữ. Những đóng góp của Nhân dân Hưng Yên đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng Bạch Đằng lịch sử.Thế kỷ XIII, với đóng góp của dân binh Hưng Yên, tướng quân Phạm Ngũ Lão cùng đại quân của Trần Quốc Tuấn quét sạch quân Nguyên Mông. Thế kỷ XV, người Hưng Yên lập kỳ tích giết giặc Minh, góp phần làm nên chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn - Lê Lợi.
Cuối thế kỷ XIX, khởi nghĩa Bãy Sậy ở Hưng Yên thành điểm sáng trong phong trào yêu nước chống Pháp. Nhân dân Hưng Yên tham gia phong trào Cần Vương, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, tham gia tích cực vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên…
Tháng 2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mở ra bước ngoặt vĩ đại về sứ mệnh cách mạng của Việt Nam. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, quần chúng cách mạng Hưng Yên đã tham gia tích cực vào phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ, đòi cơm áo, hòa bình, tham gia Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi vĩ đại Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong đấu tranh, người Hưng Yên luôn coi trọng sức mạnh cộng đồng và tinh thần thượng võ. Nữ du kích Hoàng Ngân lập nên kỳ tích “sống anh dũng, chết vẻ vang”, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, các mẹ, các chị đã quả cảm giết giặc bằng mọi vũ khí sẵn trong tay, bằng niềm tin và nghị lực phi thường… Qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, cách mạng Hưng Yên luôn phát huy sức mạnh toàn quân, toàn dân, vận dụng sáng tạo các mối giáp công, đấu tranh trên nhiều mặt trận: Quân sự, chính trị, ngoại giao… tiến đến cùng cả nước giành thắng lợi hoàn toàn.
Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, Hưng Yên có gần 23.000 anh hùng liệt sĩ; 9.814 thương binh; 7.235 bệnh binh; 2.273 người bị địch bắt và tù đày; gần 3.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 78 tập thể, 30 cá nhân Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân… Những gương sáng tiêu biểu cho tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh như: Nhà cách mạng Tô Hiệu; Trung tướng Nguyễn Bình; các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Thị Cúc, Trần Thị Khang…
Với truyền thống yêu nước và tinh thần thượng võ đó, quân dân Hưng Yên đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, đưa giang sơn về một mối, đưa dân tộc bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc.
Phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần thượng võ của quê hương Hưng Yên văn hiến và anh hùng, quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hưng Yên đã vươn lên mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả, thành tích đáng tự hào. Sau tái lập tỉnh (năm 1997), từ điểm xuất phát thấp, GDP bình quân đầu người 180 USD, hạ tầng cơ sở chưa phát triển, hệ thống giao thông vận tải khó khăn. Xác định thế mạnh vị trí, nhân lực dồi dào, tỉnh tập trung đột phá phát triển công nghiệp, thực hiện những chính sách thu hút đầu tư công nghiệp và dịch vụ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, kinh doanh. Huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng cơ sở, kết nối giao thông, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội. Đến nay, các cân đối kinh tế lớn được củng cố vững chắc hơn; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 10,05%; cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp và thủy sản 7,09%; công nghiệp và xây dựng 61,66%; dịch vụ 24,85%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6,39%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2023 là 110,39 triệu đồng. Nông thôn và đời sống của người nông dân ngày càng khởi sắc. Các chính sách xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Với bàn tay, khối óc dựng xây, Hưng Yên hôm nay vươn mình hội nhập và phát triển. Màu mái ngói được thay bằng những ngôi nhà cao tầng hiện đại và kiên cố, những con đường nông thôn mới, công nghiệp hóa, đô thị hóa, diện mạo nông thôn đang thay đổi từng ngày, thành phố, những khu công nghiệp, các khu đô thị thương mại và dịch vụ, thành phố xanh của hôm nay và tương lai.
Với những thành tựu đạt được sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, hơn 25 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hưng Yên tiếp tục thi đua lập nhiều thành tích, phát huy các nguồn lực, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội đặt ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; giữ vững những thành quả đã đạt được, khắc phục khó khăn, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tạo nền tảng vững chắc hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp mạnh, là tỉnh đô thị sinh thái hiện đại và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy